Chiến lược của Không quân Anh Không_chiến_tại_Anh_Quốc

Hệ thống Dowding

Yếu tố quyết định trong việc phòng thủ nước Anh là hệ thống cơ sở hạ tầng liên hợp nhằm phát hiện, chỉ huy, và kiểm soát để điều khiển trận đánh. Đó là "Hệ thống Dowding", đặt theo tên người sáng tạo chủ yếu ra nó, Thống chế Không quân Hugh Dowding, người đứng đấu Bộ tư lệnh Tiêm kích RAF. Hệ thống này dựa trên nền tảng hệ thống phòng không độc đáo được thiếu tướng Edward Ashmore xây dựng nên từ năm 1917. Dowding đã kế thừa và hiện đại hóa nhiều tính năng mà Ashmore đã đi tiên phong,[134] trong đó có việc sử dụng radio hai chiều và Quân đoàn Quan sát phòng không Hoàng gia (ROC).[135] Tuy nhiên, phần cốt lõi của hệ thống Dowding là do chính Dowding thực hiện: việc sử dụng radar là theo chỉ thị của ông, và việc sử dụng nó, cùng với những thông tin hỗ trợ từ ROC, đã là điều mấu chốt đối với khả năng đánh chặn có hiệu quả các máy bay Đức đang tiến đến.[136] Ông cũng kiên quyết cần phải có sự kết nối qua đường điện thoại (có dây dẫn được đặt sâu dưới lòng đất với lớp bảo vệ chống bom bằng bê tông)[137] giữa những người điều khiển radar với trung tâm chỉ huy tác chiến: sở chỉ huy Bộ tư lệnh Tiêm kích đặt tại tu viện Bentley.[138] Trong cuộc chiến này nhiều đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Duyên hảiBinh chủng Không lực Hải quân đã được đặt dưới quyền của Bộ tư lệnh Tiêm kích.

Các đội nhóm

Không phận Anh quốc được chia thành 4 Nhóm:

  • Thống chế không quân Hugh Dowding

Hệ thống chỉ huy

Ranh giới bảo vệ hệ thống ra-đa Chain Home, các căn cứ và các nhóm không quân Anh

Thông thường những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc không kích sắp đến sẽ được các cơ sở radar Chain Home đặt tại bờ biển ghi nhận. Trong hầu hết các trường hợp, radar có thể bắt được đội hình máy bay của Luftwaffe ngay khi họ còn đang tiến hành tổ chức trên không phận các sân bay. Một khi các máy bay tấn công đã tiến vào nội địa Anh Quốc, thì những đội hình đó còn bị xác định bởi Quân đoàn Quan sát phòng không Hoàng gia. Thông tin từ radar và Quân đoàn Quan sát phòng không sẽ được chuyển qua cho các phòng tác chiến chính thuộc Tổng hành dinh Bộ tư lệnh Tiêm kích đặt tại tu viện Bentley. Các biểu đồ được lập ra để xác định xem các máy bay đó là "thù địch" hay "thân thiện". Nếu là thù địch, thông tin sẽ được chuyển đến "phòng tác chiến" chính, nằm trong một boongke lớn ngầm dưới đất.

Tại đây dòng thông tin về mỗi cuộc tấn công sẽ được WAAF (Không lực Phụ trợ của nữ) tính toán, họ nhận thông tin qua một hệ thống điện thoại. Tin tình báo còn được cung cấp thêm từ các trạm sóng của ban "Y", có nhiệm vụ theo dõi việc truyền tín hiệu radio của đối phương, và trung tâm giải mã "Ultra" đặt tại công viên Bletchley. Các thẻ màu đại diện cho mỗi cuộc tấn công được đặt trên một chiếc bàn lớn, có trải một tấm bản đồ nước Anh và kẻ các ô vuông theo Hệ thống dữ liệu mạng lưới quốc gia Anh. Màu thẻ sử dụng cho sự kiện nào đó được xác định theo thời điểm phát hiện, là màu sắc được xác định bằng kim phút của đồng hồ quân khu. Khi lộ trình của các máy bay tấn công có thay đổi, tấm thẻ sẽ được đẩy đi trên bản đồ bằng một "que cào" có từ tính. Hệ thống này cho phép các kiểm soát viên tiêm kích chính (thường là cấp chỉ huy đội bay) cà Dowding có thể nhanh chóng nhìn ra địa điểm mà đối phương nhắm đến và nhận định các mục tiêu dự kiến của họ. Thời gian của các thông tin được thể hiện rõ ràng bằng màu sắc của các tấm thẻ. Nhờ tính đơn giản của hệ thống này mà các quyết định có thể được đưa ra một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Ngoài các kiểm soát viên, hầu hết các phòng ban và bản đồ thông tin được điều hành bởi những thành viên của WAAF. Trước chiến tranh, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về năng lực của phái nữ trong việc chịu đựng các điều kiện chiến đấu, khi nhiều nữ phi công được huy động ra các sân bay và trạm radar ở tiền tuyến.[139] Thực tế cuộc chiến đã chứng minh rằng những nghi ngờ đó là vô căn cứ và đóng góp của WAAF đã trở thành cần thiết đối với RAF trong hệ thống kiểm soát và liên lạc, cũng như nhiều công việc khác.[140][141]

Thông tin này cũng đồng thời được chuyển đến cho sở chỉ huy của mỗi Nhóm (ví dụ như trạm RAF Uxbridge cho Nhóm 11),[142] tại đó nó được "lọc" qua một phòng phụ trách lọc thông tin (nghĩa là đối chiếu, kiểm tra chéo và đơn giản hóa), trước khi chuyển qua cho các phòng tác chiến khác, cũng được đặt trong các boongke Trận chiến nước Anh ở ngầm dưới đất. Do Nhóm nắm quyền kiểm soát chiến thuật trong trận đánh, các phòng tác chiến được bố trí khác so với tại tu viện Bentley. Bản đồ chính trên bảng biểu đồ đại diện cho khu vực chỉ huy của Nhóm và các sân bay có liên quan. Các trang bị điện thoại và radio thu và phát luồng thông tin liên tục từ nhiều sân bay quân khu và từ Quân đoàn Quan sát, Bộ tư lệnh Phòng không và lực lượng hải quân. "Nhiệm vụ kiểm soát viên tiêm kích" (ví dụ như Nhóm 11) là đại diện cá nhân của Park, có trách nhiệm nắm bắt được thời điểm và cách thức đối phó từng cuộc tấn công. Ông này sẽ ra lệnh cho các đội bay xuất kích và bố trí họ theo cách mà ông ta nghĩ là đúng nhất. Sự kịp thời đóng vai trò cốt yếu, bởi vì "mỗi phút trì hoãn không cần thiết để đợi xác định chính xác cuộc tấn công đang đến đồng nghĩa với việc các máy bay tiêm kích của chúng ta sẽ không có được độ cao khoảng 2.000 feet cần thiết để họ có thể chặn đánh kẻ thù." (Willoughby de Broke, kiểm soát viên tiêm kích thâm niên tại Uxbridge.)

Mỗi phòng ban của Nhóm có một "bảng tổng quát" cho thấy mỗi đội bay hiện có trong Nhóm đó. Bảng này có một hệ thống đèn chiếu sáng cho phép kiểm soát viên thấy được tình trạng của các đội bay: Ngắt (không phục vụ); Hiện hữu (xuất kích trong 20 phút); Sẵn sàng (xuất kích trong 5 phút); Chờ (phi công đã trong buồng lái, xuất kích trong 2 phút); Đã xuất kích và vào vị trí; Thấy đối phương; Chuẩn bị hạ cánh; Đã hạ cánh và tiếp nhiên liệu/vũ trang lại. Bên cạnh bảng tổng quát có thể quan sát rõ ràng, còn có một bảng khí tượng cho thấy tình trạng thời tiết xung quanh mỗi sân bay. Trách nhiệm liên tục cập nhật thông tin cho bảng tổng quát và bảng khí tượng thuộc về các nhân viên đồ án của WAAF.[143][144]

Các kỹ sư điện thoại của Tổng cục Bưu điện Anh (GPO) đóng một vai trò trọng yếu là "những người làm từng mọi giờ để sửa chữa hệ thống liên lạc, lắp đặt hoàn thiện các phương tiện mới tại các trung tâm khẩn cấp, và duy trì hoạt động cho hệ thần kinh của Bộ tư lệnh Tiêm kích..." (Thiếu tướng Không quân Eric Roberts, tư lệnh quân khu Middle Wallop năm 1940)[145]

Tuy nhiên, giữa các Nhóm được bố trí giúp đỡ lẫn nhau; ví dụ như Park chỉ có thể yêu cầu - chứ không phải ra lệnh - sự hỗ trợ của Brand (người thường cuyên phối hợp), hoặc từ Leigh-Mallory (người vẫn hay từ chối). Điều này là do Dowding đã không bao giờ đưa ra những mệnh lệnh thường trực về việc phối hợp tác chiến, cũng không xây dựng được một phương pháp để sắp xếp nó.[125]

Còn có thêm một vấn đề nữa là các máy bay không được phân chia một cách công bằng giữa các Nhóm. Trong khi hầu hết các máy bay tiêm kích hữu hiệu của RAF là loại Spitfire, thì 70% máy bay của Nhóm 11 lại là loại Hurricane. "Tổng cộng, có ít hơn một phần ba số tiêm kích tốt nhất của Anh hoạt động tại quân khu chủ chốt."[146]

Các quân khu

Các khu vực của các Nhóm được chia thành những Quân khu; mỗi viên sĩ quan chỉ huy Quân khu được giao cho từ 2 đến 4 đội bay. Các Trạm Quân khu, bao gồm một phi trường cùng một "phòng điều hành Quân khu", là trung tâm của cơ cấu này, và họ cũng chịu trách nhiệm điều hành những phi trường vệ tinh mà các đội bay có thể phân tán đến. Các phòng điều hành khác sao chép y nguyên cơ cấu này tại các Nhóm Tổng hành dinh, nhưng với quy mô nhỏ hơn và hầu hết vẫn đóng tại những công trình mái ngói một tầng làm bằng gạch ở trên mặt đất, rất dễ bị tấn công. Đến năm 1940, phần lớn trong số chúng được bảo vệ sơ sài bằng một bờ đất gọi là "tường nổ" bao quanh, có độ cao ngang bằng với mái hắt. May mắn cho Bộ tư lệnh Tiêm kích là bộ phận tình báo của Luftwaffe đã không biết đến tầm quan trọng của những phòng này và hầu hết trong số chúng đều được yên ổn. Các phòng điều hành tại Biggin Hill đã bị phá hủy trong một cuộc đột kích ngày 31 tháng 8, nhưng là do bom rơi lạc. Nguy cơ của các phòng này trong thời gian chiến tranh đã được nhận ra và các sân bay mới được xây dựng theo chương trình mở rộng vào những năm 1930 đã có những kết cấu mới hình chữ "L" chống được bom Mk II. Để phòng xa, các phòng điều hành khẩn cấp được xây dựng tại những địa điểm khác cách xa các sân bay, hơi kém hiệu quả hơn một chút; ví dụ như trạm RAF Kenley có thể dùng phòng thay thế đóng tại một cửa hàng thịt gần Caterham. Bảng biểu đồ được trình bày với một bản đồ quân khu cùng các sân bay của nó, và các bộ phận tổng hợp và thời tiết phản ánh lại nguồn thông tin chính xác hơn này.[144]

Khi có lệnh của Nhóm Tổng hành dinh, trạm quân khu sẽ cho các đội bay của mình xuất kích. Mỗi lần cất cánh, các đội bay sẽ được điều khiển bởi hệ thống radio-điện thoại từ trạm quân khu. Các đội bay có thể được lệnh tuần tra các sân bay hoặc các mục tiêu trọng yếu hay đi đánh chặn cuộc tấn công đang đến. Cũng như chỉ đạo các đội bay tiêm kích, các trạm Quân khu cũng kiểm soát cả các khẩu đội phòng không trong khu vực; mỗi sĩ quan quân đội ngồi cạnh một viên kiểm soát tiêm kích và điều khiển khẩu đội pháo khi nào khai hỏa, và nếu có máy bay của RAF bay vào tầm bắn thì sẽ ra lệnh cho các khẩu pháo phải ngừng bắn.[147]

Thiếu sót

Mặc dù là hệ thống phòng không tinh vi nhất thế giới vào thời điểm lúc bấy giờ, hệ thống Dowding cũng có nhiều hạn chế. Trong đó, có một nhu cầu rất rõ ràng nhưng thường không được nhấn mạnh, đó là sự cần thiết phải có các nhân viên bảo trì trên mặt đất với đầy đủ trình độ, nhiều người đã được đào tạo theo chương trình Aircraft Apprentice (máy bay tập sự) do Hugh Trenchard tiến hành. Các radar hay gặp những sai sót đáng kể còn Quân đoàn Quan sát phòng không thì gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện các cuộc tấn công ban đêm và trong thời tiết xấu. Liên lạc bằng radio-điện thoại với các máy bay tiêm kích cũng bị hạn chế do các máy thu tiêu chuẩn được các tiêm kích của RAF sử dụng vào đầu cuộc chiến là loại TR9D cao tần, hoạt động trong dải tần số từ 4.3-6.6 MHz;[148] RAF đã sớm nhận ra thiết bị này bị giới hạn về phạm vi thu phát tín hiệu vô tuyến do công suất kém. Ngoài ra, việc số lượng các máy phát vô tuyến cao tần dân sự, quân sự, và của nước ngoài tăng thêm từ khi máy TR9 được chấp nhận đồng nghĩa với việc thường xuyên bị nhiễu và đè sóng, rõ ràng gây khó khăn cho việc liên lạc với các máy bay tiêm kích. Việc mỗi đội bay có một tần số riêng cũng gây ra hạn chế, nó làm cho việc liên lạc giữa các đội bay trở nên bất khả thi.[145] Cuối cùng, hệ thống thiết bị theo dõi các máy bay tiêm kích của RAF, gọi là HF/DF hay "Huff-Duff", đã hạn chế các quân khu tối đa có 4 đội bay trên bầu trời. Việc tăng cường thêm các hệ thống IFF, "Pipsqueak" sau đó nhằm đồng nhất các máy bay của RAF đã lập nên một kênh phát thanh mới.

Bắt đầu từ tháng 9 năm 1940, radio siêu cao tần T/R loại 1133 đã thay thế cho radio TR9. Thiết bị mới này trước đây đã được trang bị cho máy bay Spitfire thuộc các đội bay số 54 và 66 của RAF từ tháng 10 năm 1939[145], nhưng việc sản xuất bị đình lại do phải tăng cường loại máy T/R 1143, khiến cho phần lớn máy bay Spitfire và Hurricane không được sử dụng loại thiết bị này cho đến tháng 10 năm 1940. Phạm vi bắt sóng được mở rộng lên rõ rệt, và các kiểm soát viên và phi công có những kênh liên lạc rộng tầm hơn để lựa chọn.[145][148]

Một chiếc Hawker Hurricane I năm 2008, từng tham gia cuộc không chiến tại Anh.

Hiệu quả của tình báo tín hiệu

Không rõ việc người Anh đã bắt được mật mã của máy Enigma, được người Đức sử dụng trong việc bảo mật liên lạc vô tuyến, có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến. Các thông tin thu được bằng cách chặn tín hiệu Enigma (người Anh gọi là Ultra), đã đem lại cho các cấp chỉ huy của Anh cái nhìn toàn cảnh về những ý định của Đức. Theo F. W. Winterbotham, bậc thâm niên tiêu biểu của Bộ Tham mưu Hàng không thuộc Cục tình báo Bí mật,[149] Ultra đã giúp xác nhận lực lượng và bố trí các đội hình máy bay của Luftwaffe, mục tiêu của các viên chỉ huy[150] và cảnh báo sớm được một số cuộc tấn công.[151] Vào đầu tháng 8, có một quyết định được đưa ra là một đơn vị nhỏ sẽ được thành lập tại tổng hành dinh của Bộ tư lệnh Tiêm kích (tại Stanmore) để xử lý dòng thông tin từ Bletchley và chỉ cung cấp cho Dowding những thông tin Ultra có giá trị nhất; theo đó Bộ Hàng không sẽ không phải chuyển những dòng tin tức liên miên đến Stanmore, đảm bảo bí mật, và Dowding không bị ngập đầu với những thông tin không cần thiết. Keith Park và những kiểm soát viên của ông cũng được biết về Ultra.[152] Trong một cố gắng hơn nữa nhằm ngụy trang sự tồn tại của Ultra, Dowding đã thiết lập một đơn vị gọi là 421 Flight. Đơn vị này (sau trở thành đội bay số 91 của RAF), được trang bị các máy bay Hurricane và Spitfire và huy động các máy bay đi tìm kiếm và báo cáo về các đội hình của Luftwaffe đang tiếp cận Anh.[153] Thêm vào đó là một tổ chức nghe radio (gọi là ban Y), giám sát các động thái truyền đạt tín hiệu của Luftwaffe, cũng góp phần đáng kể trong việc sớm cảnh báo về các cuộc tấn công.

Giải cứu không-biển

Một trong những thiếu sót lớn nhất trong toàn bộ hệ thống này là việc thiếu mất một tổ chức giải cứu không-biển thích hợp. RAF đã bắt đầu tổ chức hệ thống Xuồng Tốc độ Cao (HSLs) từ năm 1940 dựa trên nền tảng là các tàu bay và một số địa điểm ở nước ngoài, nhưng họ vẫn tin rằng lưu lượng giao thông băng qua biển Manche khiến cho không cần thiết phải có một bộ phận giải cứu tại khu vực này. Họ mong là các phi công và phi hành đoàn bị rơi sẽ được các tàu thuyền đi ngang qua trục vớt. Nấu không thì các tàu cứu hộ địa phương sẽ được báo động, giả sử như có ai đó trông thấy viên phi công rơi xuống nước.[154]

Các phi hành đoàn RAF được phát cho một áo phao, có biệt danh là "Mae West" nhưng trong năm 1940 vẫn phải bơm phồng bằng tay, điều này hầu như là không thể đối với những người đã bị thương hay bị choáng. Nước ở biển Mancheeo biển Dover rất lạnh ngay cả vào giữa mùa hè, còn quần áo của các phi hành đoàn RAF lại không giúp gì nhiều trong việc chống bị đông cứng. Một hội nghị trong năm 1939 đã đặc công tác giải cứu không-biển thuộc quyền Bộ tư lệnh Duyên hải. Do số phi công bị thiệt hại trên biển trong thời gian "Trận chiến Eo biển", ngày 22 tháng 8, việc kiểm soát các cuồng cứu hộ của RAF đã được chuyển qua cho các nhà chức trách hải quân địa phương và 12 máy bay Westland Lysander đã được giao cho Bộ tư lệnh Tiêm kích để giúp tìm kiếm các phi công trên biển. Tổng cộng có khoảng 200 phi công và phi hành đoàn bị mất trên biển trong toàn cuộc chiến. Đã không có một tổ chức giải cứu không-biển nào được thành lập cho đến năm 1941.[117]

Chiến thuật

X4474, một máy bay Mk I Spitfire thuộc đội bay số 19 của RAF tháng 9 năm 1940. Trong trận chiến nước Anh, đội bay số 19 là một phần trong phi đội Duxford.

Gánh nặng của cuộc chiến được đặt lên vai của Nhóm 11. Chiến thuật của Keith Park là phái các đội bay riêng lẻ đi chặn đánh cuộc tấn công. Điều này nhằm mục đích khiến cho các máy bay ném bom tiếp cận của đối phương bị tấn công liên tục bởi một số lượng tương đối nhỏ các máy bay tiêm kích Anh và cố gắng phá vỡ các đội hình máy bay ném bom chặt chẽ của Đức. Khi một đội hình đã bị phân tán, thì những máy bay đi sau có thể bị tiêu diệt từng chiếc một. Trong trường hợp có nhiều đội bay địch tiến hành được cuộc đột kích, thì sẽ để những chiếc Hurricane bay chậm ngăn chặn máy bay ném bom, còn máy bay Spitfire bay nhanh hơn sẽ chống lại lực lượng tiêm kích hộ tống. Tuy nhiên ý tưởng này không phải lúc nào cũng thu được kết quả, trong những thỉnh thoảng những lần Spitfire và Hurricane đảo ngược vai trò cho nhau.[155] Park còn ban hành chỉ thị cho các đơn vị của mình phải tiến hành tấn công trực diện vào các máy bay ném bom, mặc dù những cuộc tấn công như vậy sẽ mang nhiều nguy cơ hơn. Hơn nữa, với tình trạng di chuyển nhanh trong những cuộc không chiến ba chiều, chỉ một số ít các phi công tiêm kích của RAF có thể tiến đánh trực diện vào máy bay ném bom của địch.[155]

Trong cuộc chiến này, có một số chỉ huy, nhất là Leigh-Mallory, đã đề xuất để cho các đội bay tổ chức thành các "Đại Phi đội" (Big Wing), bao gồm ít nhất ba đội bay, để ồ ạt tấn công đối phương, phương pháp này đã được nghĩ ra đầu tiên bởi Douglas Bader.

Những người ủng hộ chiến thuật này cho rằng việc đánh chặn với số lượng lớn sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho đối phương trong khi giảm thiểu được thiệt hại của mình. Những người phản đối lại chỉ ra rằng những Đại Phi đội sẽ làm tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị, và tăng thêm nguy cơ cho các máy bay tiêm kích khi bị tấn công lúc đang tiếp nhiên liệu trên mặt đất. Ý tưởng Đại Phi đội cũng khiến cho các phi công cẩn thận về sự an toàn của họ, do khu vực chiến trường hỗn độn hơn. Điều này khiến cho người ta tin những Đại Phi đội có hiệu quả nhiều hơn so với thực tế của chúng.[156]

Vấn đề này đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc giữa Park và Leigh-Mallory, khi mà Nhóm 12 được giao nhiệm vụ bảo vệ các sân bay của Nhóm 11 trong khi các đội bay của Park chặn đánh các cuộc tấn công. Sự chậm trễ trong công tác tập hợp thành những Đại Phi đội đã khiến cho các đội hình thường không đến được đầy đủ, hoặc chỉ đến được sau khi máy bay ném bom Đức đã tấn công sân bay của Nhóm 11.[157] Dowding, nhấn mạnh các vấn đề trong việc thực hiện các Đại Phi đội, đã gửi một bản báo cáo do Park biên soạn lên Bộ Hàng không ngày 15 tháng 11. Trong bản báo cáo, ông ta nêu bật lên rằng trong khoảng thời gian từ 11 tháng 9 đến 31 tháng 10, việc sử dụng rộng rãi các Đại Phi đội đã đem lại kết quả là chỉ có 10 cuộc đánh chặn và 1 máy bay Đức bị tiêu diệt, nhưng bản báo cáo này đã bị bỏ qua.[158] Những phân tích thời hậu chiến sau đó đã đồng ý rằng cách tiếp cận của Dowding và Park là tối ưu đối với Nhóm 11.

Việc thuyên chuyển chức vụ của Dowding trong tháng 11 năm 1940 được cho là do những mâu thuẫn giữa Park và Leigh-Mallory về chiến lược chiến đấu ban ngày. Dù sao, những cuộc tấn công ác liệt và sự hủy diệt chúng gây ra trong thời gian cuộc oanh tạc Blitz cũng gây tổn hại cho cá nhân Dowding và Park, vì họ đã không thể xây dựng được một hệ thống phòng không hiệu quả chống máy bay tiêm kích vào ban đêm, là những đêìu mà phe Leigh-Mallory đã đem ra để chỉ trích họ từ lâu.[159]

Đóng góp của Bộ tư lệnh Ném bom và Duyên hải

Một chiếc Bristol Blenheim Mk IV thuộc đội bay số 21 của RAF.

Trong cuộc chiến này các máy bay thuộc Bộ tư lệnh Ném bomBộ tư lệnh Duyên hải đã tiến hành những phi vụ tấn công nhằm vào những mục tiêu tại Đức và Pháp. Sau những thảm họa ban đầu, với việc các máy bay ném bom Vickers Wellington bị bắn hạ với số lượng lớn trong cuộc tấn công Wilhelmshaven và các đội bay Fairey Battle được điều đến Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn, thì tình hình trở nên rõ ràng rằng Bộ tư lệnh Ném bom cần phải hoạt động chủ yếu vào ban đêm nhằm đạt được hiệu quả mà không bị tổn thất lớn.[160] Từ ngày 15 tháng 5 năm 1940, một chiến dịch ném bom ban đêm được triển khai nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ, hệ thống thông tin liên lạc và mùa màng của Đức, chủ yếu là tại vùng Ruhr.

Trước những nguy cơ tăng cao, ngày 3 tháng 6 năm 1940, Bộ tư lệnh Ném bom đã thay đổi mục tiêu ưu tiên nhằm vào ngành công nghiệp máy bay của nước Đức. Ngày 4 tháng 7, Bộ Hàng không đã ra mệnh lệnh cho Bộ tư lệnh Ném bom phải tấn công các cảng biển và tàu bè của địch. Đến tháng 9, các xuồng lớn nhằm mục đích tấn công mà quân Đức cho tập hợp tại các bến cảng trên eo biển Manche đã trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu.[161] Đến ngày 7 tháng 9, chính phủ đưa ra cảnh báo rằng cuộc xâm lược dự kiến có thể diễn ra trong vòng vài ngày tới và ngay trong đêm hôm đó, Bộ tư lệnh Ném bom đã tấn công các cảng biển Manche cùng các kho tiếp tế đạn dược. Ngày 13 tháng 9, họ lại tiến hành một cuộc đột kích lớn khác vào các cảng biển Manche, đánh chìm 80 xuồng lớn tại cảng Ostend.[162] 84 xuồng lớn khác cũng bị đánh đắm ở Dunkirk trong một cuộc đột kích khác ngày 17 tháng 9 và đến ngày 19 tháng 9, gần 200 xuồng lớn đã bị chìm.[161] Những thiệt hại này có thể đã góp phần dẫn đến việc Hitler quyết định cho hoãn vô thời hạn Chiến dịch Sư tử biển.[161] Thắng lợi của các cuộc đột kích này một phần là do Đức có ít các trạm radar Freya đặt tại Pháp, do đó hệ thống phòng không ở các cảng của Pháp không thể so sánh được với hệ thống phòng không tại Đức; và Bộ tư lệnh Ném bom đã huy động khoảng 60% lực lượng của mình vào mục tiêu các bến cảng trên biển Manche.

Các đơn vị máy bay Bristol Blenheim cũng đã đột kích vào các sân bay do Đức chiếm đóng suốt từ tháng 7 cho đến tháng 12 năm 1940, cả ngày lẫn đêm. Dù phần lớn các cuộc đột kích này đều không đạt hiệu quả, nhưng vẫn có một số thành công; ngày 1 tháng 8, 5 trong số 12 chiếc Blenheim được phái đi tấn công HaamstedeEvere (Brussels) đã thả được bom, phá hủy hoặc đánh hỏng nặng 3 chiếc Bf 109 thuộc phi đội 2, Không đoàn Tiêm kích 27 (Jagdgeschwader 27) và giết chết một phi đội trưởng được xác định là Albrecht von Ankum-Frank. Thêm 2 chiếc Bf 109 khác cũng được xạ thủ Blenheim xác nhận.[163][gc 20] Một cuộc đột kích thắng lợi khác tại Haamstede do một chiếc Blenheim duy nhất thực hiện ngày 7 tháng 8 đã phá hủy 1 chiếc Bf 109 thuộc phi đội 4, Không đoàn Tiêm kích 54, đánh hỏng nặng một chiếc khác và gây hư hỏng nhẹ cho thêm 4 chiếc nữa.[166]

Có một số phi vụ mà các máy bay Blenheim đã phải chịu tỷ lệ thiệt hại đến 100%; như cuộc tấn công ngày 13 tháng 8 năm 1940 nhằm vào một sân bay của Luftwaffe ở gần Aalborg đông bắc Đan Mạch với 12 máy bay thuộc đội bay số 82 của RAF. Có một chiếc Blenheim quay về sớm (viên phi công này sau đó đã bị buộc tội và phải ra tòa án binh, nhưng đã bị giết trước đó trong một nhiệm vụ khác), còn 11 chiếc khác đã đến được Đan Mạch đều bị bắn hạ, 5 chiếc bởi hỏa lực phòng không và 6 do máy bay Bf 109. Trong số 33 phi hành viên tham gia cuộc tấn công, có 20 người tử trận và 13 bị bắt.[167]

Cùng với các hoạt động ném bom, các đơn vị không quân có trang bị máy bay Blenheim cũng được tạo lập nhằm thực hiện nhiệm vụ do thám chiến lược tầm xa trên không phận nước Đức và những vùng bị Đức chiếm đóng. Trong vai trò này, các máy bay Blenheim lại một lần nữa cho thấy khả năng bay quá chậm và nguy cơ cao của mình trước lực lượng tiêm kích của Luftwaffe, và họ đã phải chịu nhiều thương vong liên tiếp.[168]

Bộ tư lệnh Duyên hải thì hướng chú ý vào việc bảo vệ các tàu thuyền của Anh, và tiêu diệt các tàu thuyền của đối phương. Khi cuộc xâm lược đã trở nên ràng hơn, họ cũng tham gia vào việc tấn công các bến cảng và sân bay của Pháp, vào việc thả mìn, và tăng cường nhiệm vụ trinh sát trên bờ biển của đội phương. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1940, tổng cộng đã có khoảng 9.180 phi vụ được các máy bay ném bom tiến hành. Mặc dù như vậy là ít hơn nhiều con số 80.000 phi vụ được thực hiện bởi các máy bay tiêm kích, các phi hành đoàn ném bom đã phải chịu thiệt hại bằng khoảng một nửa tổng số thiệt hại mà các đồng sự tiêm kích của họ phải chịu. Theo đó thì các đóng góp của lực lượng ném bom là nguy hiểm hơn nhiều nếu xét theo tỷ lệ thiệt hại trên từng phi vụ.[169]

Những phi công thuộc các đơn vị ném bom, trinh sát và thuộc Bộ tư lệnh Duyên hải đã duy trì hoạt động trong suốt nhiều tháng với rất ít thời gian nghỉ ngơi và sự khen thưởng chính thức so với Bộ tư lệnh Tiêm kích. Trong bài diễn văn nổi tiếng ngày 20 tháng 8 ca ngợi Bộ tư lệnh Tiêm kích, Churchill cũng đã có đề cập đến những đóng góp của Bộ tư lệnh Ném bom, và nói thêm rằng những máy bay ném bom đó thậm chí đã đánh trả đến tận nước Đức; thế nhưng phần này của bài diễn văn cho đến tận ngày nay vẫn thường bị bỏ qua.[170][171] Nhà thờ Trận chiến nước Anh tại Tu viện Westminster có ghi trong Danh sách Vinh danh 718 thành viên phi hành đoàn của Bộ tư lệnh Ném bom, và 280 thành viên Bộ tư lệnh Duyên hải đã tử trận trong khoảng thời gian từ ngày 10thangasa 7 đến 31 tháng 10 năm 1940.[172]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Không_chiến_tại_Anh_Quốc http://www.airforce.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.rcaf-arc.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.nfb.ca/playlist/its-oscar-time/viewing/... http://battleofbritainblog.com http://www.celebratebritain.com/ http://airlandseaweapons.devhub.com/blog/61173-fai... http://www.economist.com/blogs/easternapproaches/2... http://www.firstworldwar.com/bio/ashmore.htm http://www.life.com/image/first/in-gallery/24892/w... http://spitfiresite.com/2010/04/battle-of-britain-...